Những ngày gần đây, dư luận đang bàn tán sôi nổi về Dự án tách Luật Giao thông đường bộ làm hai luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Dù giữ nguyên Luật Giao thông đường bộ hiện nay hoặc tách ra làm hai theo dự định thì vẫn cần phải có các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. |
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, bàn về vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề tách luật như trên là chuyện “hết sức bình thường”, nhằm làm cho luật càng ngày càng đi vào cuộc sống, nếu được thông qua cũng không tăng nhiều về biên chế, chi phí và thủ tục hành chính... Tuy nhiên, đa số các đại biểu đều cho rằng, nếu tách luật ra để hai bộ quản lý nhà nước thì sẽ dẫn đến sự chồng chéo, bất cập, gia tăng thủ tục hành chính, phá vỡ tính logic, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Về ý kiến cộng đồng và tổ chức xã hội, nhiều đơn vị có hoạt động liên quan đến lĩnh vực giao thông (trong đó có Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam) đã đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tách nội dung trong Luật Giao thông đường bộ sang Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và giữ ổn định như hiện nay.
Phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã thực hiện một cuộc tham khảo nhanh ý kiến người dân về vấn đề này. Anh Nguyễn Văn Nam, một lái xe có thâm niên lâu năm đặt câu hỏi cụ thể: Theo pháp luật hiện hành, ngành giao thông vận tải quản lý đào tạo lái xe, chịu trách nhiệm về trình độ, năng lực của lái xe khi vận hành trên đường. Trong khi đó ngành công an chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nếu lái xe có sai phạm thì ngành công an xử lý. Như vậy là hợp lý, đảm bảo nguyên tắc của kiểm tra, giám sát giữa các ngành. Còn nếu tách luật, để ngành công an quản lý đào tạo lái xe, như vậy là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, rất dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực và lúc đó thì ai phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, một cựu cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hiện nghỉ hưu tại phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, ông Bình cho rằng, không nên tách vấn đề trật tự an toàn giao thông thành một bộ luật riêng. Bởi đối với người dân, sẽ tiện lợi hơn cho họ rất nhiều nếu họ chỉ dùng một bộ luật về giao thông đường bộ với đủ các yếu tố cấu thành, hơn là phải tham khảo hai bộ luật mỗi khi cần thiết. Còn đối với các cơ quan bảo vệ và thi hành pháp luật, thì một bộ luật về giao thông đường bộ với đủ các yếu tố cấu thành cũng đã là quá đủ để thực thi chức trách. Do đó Nhà nước không nên “vẽ rắn thêm chân” để làm rắc rối thêm một điều đã quá phức tạp như Luật Giao thông đường bộ hiện hành...
Trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật INTERCODE, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư Thắng cho rằng: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa nói nội dung, phạm vi điều chỉnh và chủ thể tham gia, đã cho thấy nhiều sự trùng lặp, chồng chéo, và đã “dẫm chân nhau” ngay ở tên gọi của hai đạo luật này. Chúng ta không nên tách Luật Giao thông đường bộ hiện nay, bởi Việt Nam là thành viên của liên minh gần 90 nước trên thế giới theo Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ. Mà các cơ quan quản lý giao thông đường bộ của các quốc gia thành viên đều là cơ quan dân sự; chúng ta không nên “vũ trang hoá” một hoạt động quản lý giao thông đường bộ vì xu hướng thế giới việc này giao cho các cơ quan dân sự. Quân đội, công an tập trung cho nhiệm vụ quốc phòng và phòng chống tội phạm. Mặt khác, 5 yếu tố cấu thành Luật Giao thông đường bộ là: con người, phương tiện, hạ tầng, quy tắc và thẩm quyền, 5 yếu tố này luôn đồng hành, nếu phân chia nội hàm này ra sẽ rất vướng khi thực thi luật. Cuối cùng, luật luôn đi sau hiện tượng xã hội, nếu thấy Luật Giao thông đường bộ không còn phù hợp một phần hay toàn bộ, thì Chính phủ có thể yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung, sửa đổi thậm chí huỷ bỏ để thay thế bằng một Luật hoàn toàn mới. Không nên thông qua hai đạo luật để rồi việc thực thi đi vào khó khăn, bế tắc...
Có thể thấy ý kiến của vị luật sư trên dựa trên lập luận khá chắc chắn. Còn theo chúng tôi, cho dù cứ giữ nguyên Luật Giao thông đường bộ hiện nay, như ý kiến của đông đảo người dân, hoặc tách ra làm hai theo dự định, thì vẫn cần phải có các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đồng thời không thể quên được yếu tố quyết định để đảm bảo an toàn giao thông, đó và là phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông và cả người quản lý giao thông. Bởi cho dù chúng ta có một, hoặc vài bộ luật về giao thông đi nữa, nhưng nếu người tham gia và quản lý giao thông không có ý thức chấp hành đúng luật, thiếu nhận thức về văn hóa giao thông, văn minh đô thị... thì các vụ việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn cứ mãi tiếp diễn, và việc bảo đảm an toàn giao thông vẫn chỉ là mong muốn xa vời...
Đã có gần 73% đại biểu Quốc hội không tán thành tách Luật Giao thông đường bộ Sáng 17/11, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu.Tổng số đại biểu tham gia ý kiến là 414. Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, đại biểu đồng ý là 104, tương đương 25,12% trên số phiếu và chiếm 21,62% trên tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu không đồng ý tách luật là 302, tương đương 72,95% trên tổng số phiếu và 62,79% tổng số đại biểu Quốc hội. Không chọn phương án và ý kiến khác có 20 đại biểu. Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Kết quả cho thấy, có 86 phiếu chọn phương án đồng ý chuyển, chiếm 20,77% trên tổng số phiếu và 17,88% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án không đồng ý chuyển cao hơn rất nhiều là 321 phiếu, chiếm 77,54% trên tổng số phiếu, tương đương 66,74% tổng số đại biểu Quốc hội. Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khoá XV). Có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này, chiếm 60,63% số phiếu lấy ý kiến, tương đương 52,18% tổng số đại biểu Quốc hội. |