Không phải ngẫu nhiên, những hình vẽ minh họa, những bài thơ, bài văn, bài tập đọc trong sách giáo khoa tiếng Việt cũ bậc Tiểu học lại in đậm trong kí ức các thế hệ học trò đến thế. Điều gì khiến cho những trang sách có sức sống lâu bền trong tâm hồn học trò dù thời gian có trôi đi?
Đó là điều luôn thường trực trong tâm trí mỗi con người khi đã trải qua tuổi học trò với nhiều kỷ niệm không bao giờ phai. Cuộc đời con người ai cũng trải qua tuổi học trò, được học tập và rèn luyện dưới mái trường quê hương với tình yêu thương của thầy cô. Những ngày bước chân vào trường Tiểu học, học lớp “vỡ lòng” là quãng thời gian nhớ nhất, để lại những kỷ niệm sâu sắc trong tâm hồn mỗi học trò. Những trang sách ghi dấu những bài học đầu đời đã in đậm trong kí ức mỗi người để rồi khi bước vào cuộc sống, xã hội phát triển, mỗi người không khỏi bồi hồi nhớ về những trang sách tuổi thơ bậc tiểu học đã đưa lớp lớp các thế hệ trẻ thơ đến những bài học cuộc sống.
Đó là những cuốn sách tiếng Việt bậc Tiểu học thời xưa, khi sách giáo khoa chưa cải cách, chưa đổi mới như hiện nay. Thời đó, khoa học công nghệ chưa phát triển như hiện nay, các phương tiện trực quan và hỗ trợ dạy - học còn hết sức thiếu thốn. Vì thế, mỗi trang sách với những hình vẽ minh họa mộc mạc, giản dị, những đoạn thơ, câu chuyện, trang văn hết sức trong sáng, hồn nhiên và ngộ nghĩnh đã đưa tâm hồn trẻ thơ bước vào những bài học đầu đời rất sinh động và dễ hiểu. Thật khó quên được hình vẽ con trâu và bác nông dân, giàn mướp quê, sân nhà dưới ánh trăng, hai con dê đi trên cầu, rừng hồi xứ Lạng, đường đến trường, tiếng trống trường em, hai hòn đá, chú bé Lượm, cái máy tuốt lúa, cánh đồng mùa gặt... tuy đơn sơ về mặt thẩm mĩ nhưng hết sức sinh động và mang tính giáo dục cao.
Những hình vẽ trong những trang sách giáo khoa thời đó không chỉ sinh động mà rất gần gũi với cuộc sống của trẻ thơ, đặc biệt là trong những giai đoạn đất nước, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Mỗi khi giở trang sách tiếng Việt, cả một bầu trời kí ức tuổi thơ ùa về trong tâm hồn mỗi học trò. Ngữ liệu trong các trang sách tiếng Việt bậc tiểu học chủ yếu được trích từ các văn bản thơ, truyện, ngụ ngôn của các tác giả trong văn học viết cho thiếu nhi. Đó là những đoạn ngữ liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc và dễ nhớ, có vần có điệu, vừa giúp học sinh phát triển được kỹ năng đọc, phát triển vốn ngôn ngữ, vừa giúp các em lĩnh hội được những bài học đầu đời rất bổ ích.
Trải qua thời gian, đi điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, nền giáo dục hiện đại, tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải cải tiến nội dung, hình thức sách giáo khoa để cho phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, giúp học sinh phát triển được những kỹ năng cần thiết trong xã hội hiện đại. Tuy vậy, những trang sách đơn sơ, mộc mạc xưa vẫn đã và đang được lưu giữ trong kí ức của bao thế hệ học trò. Và đâu đó, có người đã có những phép so sánh sách giáo khoa xưa và nay để thấy được những điểm mới, hiện đại của sách giáo khoa ngày nay, thấy được sự phát triển của giáo dục nước nhà theo hướng tiếp cận những giá trị mới tiên tiến, hiện đại. Và qua những phép so sánh, chúng ta còn nhận ra được tính ưu việt của những giá trị truyền thống được thể hiện trong những trang sách giáo khoa xưa, thấy được những bài học còn nguyên giá trị đối với con trẻ và không khỏi băn khoăn khi sách giáo khoa ngày nay ngày càng xuất hiện nhiều những “hạt sạn” không đáng có, làm ảnh hưởng không nhỏ tới các thế hệ học trò.
Điều đó đặt ra đối với mỗi cấp quản lý, nhóm biên soạn sách, nhà xuất bản cần đặt ra câu hỏi trước khi mỗi trang, cuốn sách giáo khoa ra đời. Đó là làm thế nào để mỗi trang sách in đậm trong kí ức học trò? Làm thế nào để những bài học trong sách được trẻ tiếp nhận một cách tự nhiên nhất và hiệu quả nhất? Làm thế nào để không có “sạn” trong mỗi trang sách?... Để trả lời những câu hỏi này, thiết nghĩ ngoài trách nhiệm, năng lực của những tác giả biên soạn sách thì cần một yếu tố không thể thiếu đó là cái tâm của mỗi người. Đó là cái tâm dành cho con trẻ qua những trang sách đầu đời.
Những ngày đầu năm học 2020-2021, dư luận xã hội và đặc biệt là các bậc phụ huynh không khỏi băn khoăn về giá cả của bộ sách giáo khoa bậc Tiểu học quá cao so với những năm trước đây. Điều đó, đã khiến cho nhiều gia đình rất khó khăn khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu sách giáo khoa của con em mình. Khi dư luận về giá sách chưa tạm lắng thì “làn sóng” dư luận về bộ sách giáo khoa lớp 1, bộ “Cánh diều” lại dậy lên mạnh mẽ. Kèm theo đó là những minh chứng về những câu từ trong những ngữ liệu cụ thể được các nhà soạn sách lựa chọn đưa vào và nhiều người khẳng định hoàn toàn không phù hợp, không mang tính giáo dục, chứa đầy những “hạt sạn” gây nên sự hoang mang đối với phụ huynh, ảnh hưởng tới tương lai con trẻ...
Đứng trước dư luận hiện nay về bộ sách mới ra đời, chúng ta cần nhận thức rõ, đây là sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Đặc biệt quan tâm hơn khi đây là bộ sách giáo khoa đầu tiên của bậc học Tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sách sẽ đưa con trẻ đến những bài học đầu đời. Vì thế, các nhà quản lý, những người có trách nhiệm biên soạn bộ sách cần tiếp thu những đánh giá, góp ý từ mọi phía để kịp thời chỉnh sửa, khắc phục.
Dẫu biết rằng, những nhà biên soạn sách đều là những người có thâm niên trong nghiên cứu, giảng dạy và biên soạn các bộ sách trước đây; Hội đồng thẩm định đã thực hiện theo đúng các quy trình. Nhưng bộ sách lại thiếu một yếu tố rất quan trọng đó là dạy thực nghiệm trước khi dạy đại trà. Chính vì điều này đã dẫn đến một thực tế là các tác giả bộ sách không thể kiểm chứng được tính khả thi của nó trong thực tiễn giáo dục. Chỉ đến khi các cuốn sách được thầy cô giáo dạy trên lớp cho học trò thì những bất cập cho dù chỉ là những tiểu tiết dần được phát hiện.
Thiết nghĩ, đây là lúc chúng ta cần bỏ qua những phê phán, những lời chỉ trích đối với nhóm biên soạn sách. Ai đúng, ai sai lúc này chân lý, thực tiễn sẽ trả lời. Điều quan trọng là chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào những tồn tại để khắc phục những bất cập. Dù là quan điểm riêng, quan điểm của ai đi chăng nữa thì cần phải đứng trên quan điểm giáo dục, đào tạo mà Đảng, Nhà nước ta đã chỉ rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cần phải bỏ qua tư tưởng “trăm hoa đua nở” trong biên soạn và xuất bản sách, bỏ qua sự áp đặt từ cái nhìn của người lớn đối với những bài học của con trẻ khiến cho những bài học trở nên khô khan, trúc trắc, ít hiệu quả giáo dục. Sự trung thực, thẳng thắn, ý thức nghề nghiệp và những giá trị nhân văn khi biên soạn sách sẽ góp phần loại bỏ đi những “hạt sạn” không đáng có trong những bộ sách đầu đời của con trẻ./.